Hậu duệ Trịnh_Ngô_Dụng

Cụ tổ đời thứ tư là Ngô Văn Thiết, con trưởng của Ngô Dụng. Cụ đỗ thủ khoa (đỗ đầu cử nhân) khoa thi năm Nhâm Tý (1732), được cử đi nhậm chức tri phủ Yên Thế.

Cụ tổ đời thứ 7 là Ngô Văn Dũng đỗ tam trường ở tuổi 20, không ra làm quan, ở tại gia dạy học và bốc thuốc chữa bệnh. Cụ vốn thông minh, y nho lý số rất tinh thông, lại giàu lòng nhân ái cứu giúp người nghèo khổ gặp khó khăn vận hạn.

Cụ tổ đời thứ 8 là Ngô Văn Tác, thường gọi là cụ Đồ Tác, sinh năm 1844, vợ là Nguyễn Thị Vụ người làng Phù Khê phủ Từ Sơn. Cụ có quan hệ rất mật thiết với Nguyễn Thiện Thuật, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp. Hai cụ sinh được 7 người con trong đó có hai người nối được nghiệp cha, đó là Ngô Văn Quỳ và Ngô Văn Thấu (Đồ Ba).

Bia ở sân nhà cụ Đồ Ba

Cụ tổ đời thứ 9 là Ngô Văn Thấu, thường gọi là cụ Đồ Ba, sinh 1888. Cụ bà Nguyễn Thị Uyên quê Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh là bà cô họ của Nguyễn Văn Cừ, Tổng bí thư Đảng cộng sản Đông Dương (1938 - 1940). Cụ vốn thông minh học giỏi, đỗ tứ trường nhưng không ra làm quan ở lại quê nhà dạy học, bốc thuốc chữa bệnh. Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Yên Thế, gia đình cụ là nơi hội tụ của trai tráng trong vùng đầu quân ứng nghĩa trước khi lên căn cứ địa Phồn Xương. Cụ có tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục trong thời gian làm nghề bốc thuốc ở phố Thuốc Bắc, Hà Nội 1917-1920. Cuộc họp chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Yên Bái tháng 2 năm 1930 do Nguyễn Thái Học chủ trì tổ chức tại nhà Ngô Văn Thấu và Ngô Văn Quỳ ở làng Vân Xuyên. Gia đình cụ là cơ sở đầu tiên của khu căn cứ địa cách mạng Hoàng Vân - ATK2 của Trung ương và xứ ủy Bắc Kỳ. Cụ là một trong bốn đại biểu của Hiệp Hòa đi dự Đại hội quốc dân Tân Trào tháng 8 năm 1945. Ngôi nhà cụ Đồ Ba được nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa ATK2 Hiệp Hòa.

Năm 1926 Nguyễn Văn Cừ tham gia tổ chức lễ truy điệu Phan Chu Trinh và bị đuổi học khỏi trường Bưởi, Hà Nội. Nguyễn Văn Cừ lánh lên ở nhà chú rể Ngô Văn Thấu ở làng Vân Xuyên một thời gian. Thời gian ở đây Nguyễn Văn Cừ đã tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa cộng sản và con đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc cho các con cụ Đồ Ba là Ngô Văn Đán, Ngô Văn Hiệp (tức Ngô Tuấn Tùng) và Ngô Văn Thạnh (tức Ngô Duy Phương), đó là những người cộng sản đầu tiên của huyện Hiệp Hòa.

Ngô Văn Đán học hết năm thứ ba thành chung thì ra làm hương sư ở Đào Xuyên (Đa Tốn) cuối huyện Gia Lâm. Ngày 1 tháng 6 năm 1938 thầy giáo Ngô Văn Đán được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đào Xuyên. Người giới thiệu và kết nạp thầy Đán là Hoàng Quốc Việt. Đây là người đảng viên cộng sản đầu tiên ở Đào Xuyên, cũng là người đảng viên đầu tiên của huyện Hiệp Hòa.

Ngô Tuấn Tùng (1913 - 1998), tháng 7 năm 1938 được Hoàng Quốc Việt giới thiệu kết nạp vào Đảng cộng sản. Ông là một trong năm đảng viên đầu tiên của chi bộ Phủ Lạng Thương. Ông có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng của huyện Hiệp Hòa thời kỳ tiền khởi nghĩa cướp chính quyền. Tháng 6 năm 1941 Ngô Tuấn Tùng bị bắt ở Phủ Lạng Thương, tiếp theo cả ba đảng viên trung kiên của chi bộ Hoàng Vân đều bị bắt ở Vân Xuyên vì bị Pháp theo dõi từ trước, trong đó có Ngô Duy Phương, và bị giam ở nhà tù Bắc Giang, rồi Hỏa Lò ở Hà Nội, sau đày lên ngục Sơn La. Trong nhà tù Sơn La Ngô Tuấn Tùng được Nguyễn Lương Bằng giao cho làm phó Ban kinh tế và cứu tế của nhà tù. Tháng 3 năm 1945 khi Nhật Pháp bắn nhau, Ngô Tuấn Tùng, Ngô Duy Phương đã cùng với một số tù chính trị khác tổ chức vượt ngục thành công và trở về Hoàng Vân và tiếp tục tham gia phong trào cách mạng sôi động giành chính quyền ở Hiệp Hòa. Ngô Tuấn Tùng đã trực tiếp viết thư hẹn ngày giờ và địa điểm gặp tri huyện Thái Vĩnh Thịnh và chấp nhận lời hứa làm nội ứng của tri huyện khi Việt Minh tấn công vào huyện đường, do đó khi Việt Minh tiến vào công đường thì cổng huyện đã mở sẵn.

Ngô Duy Phương - con thứ tư của cụ Đồ Ba là một trong ba đảng viên của chi bộ Hoàng Vân, được kết nạp ngày 16 tháng 2 năm 1940 tại địa điểm Nội Đống Mú, người kết nạp là Lê Hoàng - Xứ ủy viên xứ ủy Bắc Kỳ. Ông đã làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Bắc Giang, kiêm Trưởng ban kỹ thuật tỉnh Bắc Giang (1961-1962), mất năm 1999.